Tiểu sử bà Phạm Thị Huân
Bà Phạm Thị Huân – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân sinh năm 1954 trong một gia đình nông dân tại thị trấn Thanh Long, huyện Châu Thành, tỉnh Long An, có 8 anh chị em. Nhà đông con, nhà nghèo, Ba Huân bỏ học từ năm lớp 5 để đi bán trứng cùng mẹ.
Đến khi 16 tuổi, bà Huân được mẹ giao lại toàn bộ cơ nghiệp. Gọi là cơ nghiệp cho “oách” chứ thực ra, mẹ chỉ truyền nghề, cùng chút vốn liếng ít ỏi. Bà Huân nhớ lại, thời điểm đó, cạnh tranh được với các thương lái gốc Hoa trong vùng là điều không hề dễ. Một mình bà nhỏ tuổi, ít vốn, phải lặn lội đến từng cánh đồng nuôi vịt ở miền Tây để mua tận gốc, bán tận ngọn.
Nhờ chút nhạy bén kinh doanh, càng ngày bà càng gom góp được nhiều ân tình và uy tín từ các nông hộ và những bạn hàng.
Dần dần nhu cầu ngày càng lớn, bà đi các tỉnh từ Long An đến Kiên Giang thu gom rồi vận chuyển lên TPHCM để phân phối. Đến năm 1985, bà Ba Huân lập vựa trứng gia cầm riêng ở Chợ Lớn và hình thành thương hiệu trứng Ba Huân. Sau một thời gian làm ăn khấm khá, đến năm 2001, nữ doanh nhân đã táo bạo nâng cấp vựa trứng gia cầm lên doanh nghiệp: Công ty TNHH Ba Huân.
Khó khăn nhưng vẫn kiên trì với kế hoạch của mình
Ông Phạm Thanh Hùng, người em thứ 6 của bà Huân kể lại, chị Ba để các em mình tự do chọn lựa hướng đi. Nhưng không ai bảo ai, mỗi người mỗi ngành nghề đều quay trở về nghiệp bán trứng của gia đình.
Mấy anh chị em làm chung một công ty sẽ dễ dàng đồng cam cộng khổ nhưng “9 người 10 ý”, cũng không hiếm khi khác biệt quan điểm. “Vì thế cái uy của người đứng đầu rất quan trọng”, ông Hùng nói.
Điển hình là đại dịch cúm gia cầm H5N1 quét cơn cuồng phong lên ngành chăn nuôi năm 2003, 2005. Hàng vạn con người từ chăn nuôi đến kinh doanh bỗng chốc trắng tay. Những doanh nghiệp buôn bán trứng như Ba Huân cũng đứng trước tình thế điêu đứng vì thiếu nguyên liệu, thị trường thì quay lưng.
Ông Hùng thiệt tình kể, ngày đó công ty thiệt hại gần 6 tỷ đồng vì dịch cúm. Gia đình đã khuyên bà Ba bán bớt nhà cửa để mở tiệm vàng, sinh sống và nuôi con. Khi về quê, thấy nông dân nước mắt chảy ròng, bà Ba càng kiên quyết bán bớt nhà xưởng, đất đai.
Nhưng bà Ba không bán tài sản để đi buôn vàng mà lại nhập máy móc, dây chuyền về sản xuất trứng sạch. Quyết định liều lĩnh này nhằm tiếp tục duy trì nghề bán trứng của gia đình khiến không ít người… bật ngửa. Bởi lúc đó, bất động sản đang được giá, còn quả trứng thì ngập chìm trong khủng hoảng.
Không chỉ bạn bè mà ngay cả anh em trong nhà cũng phản ứng dữ dội. Nhưng bà Ba kiên quyết lắm. Cuối cùng, tất cả phải xuôi theo. “Về sau, ai cũng phải thừa nhận đây là bước chuyển mình lớn của thương hiệu Ba Huân vì đã tạo ra cuộc cách mạng trong công nghệ xử lý trứng gia gầm”, ông Hùng tâm đắc.
Không dừng lại ở đó, Ba Huân tiếp tục hoàn thiện chuỗi giá trị ngành chăn nuôi gia cầm nội địa từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ. Đây là điều hiếm thấy ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước.
Bà Huân kể, nhà có 8 anh chị em thì có 6 người đang cùng phụ giúp công việc. Đứa điều hành suản xuất, đứa làm kho, đứa lo vận tải, đứa phụ giúp các công việc hậu cần… Bà không trọn vẹn ở đường con cái nhưng lại may mắn có 1 tập thể anh chị em yêu thương và đồng lòng.
“Các quyết định về sau của tôi đều được mọi người đều ủng hộ. Có lẽ họ cảm nhận được cái tâm, và tư duy dám đổi mới nên lại cùng tôi giữ nghiệp gia đình suốt 50 năm qua”, bà Huân chia sẻ.
Ngành gia cầm trong nước liệu có cạnh tranh nỗi với nước ngoài không ?
Việt Nam có thể cạnh tranh được. Ngày trước, mua bán gia cầm vẫn giao dịch bằng tiền tươi thóc thật, lại quay vòng vốn nhanh. Vì thế tôi hay gọi con gà, con vịt là con “xóa đói giảm nghèo”, bà Huân chia sẻ
Hồi chưa có dịch bệnh, nuôi ít trăm con gà đẻ trứng, vài trăm con vịt chạy đồng cũng giúp người ta dựng vợ gả chồng, hoặc tích vốn để làm ăn. Sau dịch cúm gia cầm năm 2003, 2005, tôi nghĩ mình phải cạnh tranh bằng chất lượng, giá thành và tôi đã làm được.
Đến giờ cũng đã có rất nhiều tập đoàn, doanh nghiệp đầu tư vào ngành chăn nuôi nói chung, ngành gia cầm nói riêng sẽ thừa sức xuất khẩu. Ba Huân cũng đã sẵn sàng tư thế để xuất khẩu dù quá trình này bị chậm lại do ảnh hưởng dịch Covid-19. Chỉ khi xuất khẩu bền vững con “xóa đói giảm nghèo” thì mới phát triển được ngành trứng và gia cầm, mới giúp nông dân làm giàu.
Doanh nghiệp muốn mạnh thì nguồn tài chính phải lớn, công nghệ phải cao. Đây là 2 khó khăn lớn nhất khi chúng ta muốn vươn ra thế giới.
Đặc biệt là vốn, doanh nghiệp cần một cơ chế tốt hơn về lãi suất. Như chỗ Ba Huân cũng thuộc hàng có “máu mặt”, có nhiều mối quen biết mới được hưởng mức lãi vay 6% hay dài hạn thì 9% chứ các doanh nghiệp nhỏ rất khó vay. Vốn đã không có, mà đi vay lại gặp khó thì làm sao phát triển. Cho nên, chúng tôi cần một cơ chế lãi suất cho những người làm nông nghiệp căng cơ.